Forex world

November 12, 2017

Quản Lý Vốn Trong Forex

Hướng dẫn cách quản lý vốn trong forex là một bài viết mà trader nào cũng muốn tìm hiểu để hoàn thiện hệ thống giao dịch của bản thân

Quản lý vốn trong Forex (còn gọi là cách đi tiền) là yếu tố cực kỳ quan trọng, nó quyết định không nhỏ đến sự thành bại của cả 1 hệ thống giao dịch. Một hệ thống giao dịch hoàn thiện sẽ không thể thiếu khâu quản lý vốn, bởi đơn giản là vì nếu bạn lỡ tay để hết trứng vào giỏ và đánh rơi nó... thì tất cả đều sẽ vỡ tan. Tài khoản của bạn cũng vậy, nếu không có quản lý vốn thì dù bạn có kiếm nhiều đến bao nhiêu tiền nhưng trót 1 lần "tất tay" hết vào 1 thương vụ (1 lệnh full) và không may nó thua lỗ thì tất cả sẽ lại về với số 0 tròn trĩnh. Có thể coi việc quản lý vốn trong forex quan trọng như việc bạn đang quản lý chi tiêu cho ví tiền có hạn của chính mình.



LÝ DO VÀ MỤC ĐÍCH CỦA QUẢN LÝ VỐN:

- Để forex không còn là canh bạc đỏ đen: Forex như là đánh bạc - NẾU KHÔNG CÓ QUẢN LÝ VỐN, điều này là 100% chính xác. Vậy để trở thành 1 nhà đầu tư forex đúng nghĩa thì bạn cần phải quản lý vốn. Quản lý vốn chính là việc bạn kiểm soát chủ động trong việc vào lệnh với khối lượng bao nhiêu, mức dừng lỗ thế nào, chốt lời ở đâu, rủi ro tối đa cho tài khoản giới hạn chỗ nào...

- Để Kiểm soát tâm lý: Quản lý vốn cũng chính là kiểm soát cảm xúc và tâm lý của bản thân. Chúng ta đều biết tâm lý giao dịch có tầm quan trọng then chốt đến thành bại trong giao dịch forex thế nào. Và để kiểm soát tâm lý tốt thì đầu tiên phải kiểm soát và quản lý vốn tốt, từ đó kết quả giao dịch cũng sẽ tốt hơn, dẫn tới tâm lý sẽ dần vững vàng hơn.

- Để thực hiện kế hoạch: Bất kỳ ai bước chân vào lĩnh vực forex đều sẽ ấp ủ 1 mục tiêu, 1 ước mơ được quy đổi thành khoản tài chính cụ thể. Người thì muốn 10.000usd, người thì 50.000usd, có người "đã mất công mơ phải mơ thật lớn" tận 1 triệu usd... Tất cả ước mơ hay mục tiêu đó sẽ mãi xa vời nếu nó chỉ nằm trong suy nghĩ mà không được cụ thể hóa thành 1 bản kế hoạch có lộ trình cụ thể. Nếu bạn có những mục tiêu cụ thể đó, hãy ngay lập tức biến nó thành bản kế hoạch chi tiết bằng 1 file excel, 1 bản viết bằng giấy, hay file word... trong đó cần có các lộ trình cụ thể và quan trọng hơn cả là bản kế hoạch này cần phải CÓ TÍNH KHẢ THI MỘT CHÚT (chỉ cần 1 chút là đủ rồi). Ví dụ bạn ko thể đặt mục tiêu kiếm 1 triệu usd cho 1 tháng với khoản vốn trong tay chỉ là ...vài usd. Và bản kế hoạch chi tiết đó sẽ phải song hành với chiến lược quản lý vốn mà bạn đặt ra ngay từ đầu. Nếu có kế hoạch tốt và quản lý vốn tốt thì khả năng đạt mục tiêu sẽ tăng lên đáng kể rồi.

- Để tránh bị đẩy ra khỏi cuộc chơi: Với 1 người có chiến lược quản lý vốn tốt thì sẽ hiếm khi, thậm chí là không bao giờ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi với thị trường. Bởi thông thường sau khi có 1 hệ thống giao dịch tốt đã được kiểm nghiệm kỹ qua giai đoạn giao dịch demo (thử nghiệm), họ mới bỏ tiền để nhảy vào cuộc chơi thực sự, và khi mọi thứ đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ system, vốn giao dịch, chiến lược đi lệnh... thì việc cháy tài khoản là rất khó xảy ra, và dù có cháy tài khoản thì điều đó cũng đã nằm trong kế hoạch của quản lý vốn nên khi đó trader sẽ bình thản đón nhận nó cũng như có kế hoạch cho việc quay trở lại được tốt hơn.


CÁC PHƯƠNG PHÁP QUẢN LÝ VỐN:

Quản lý vốn cụ thể là cách quản lý tổng số vốn bạn sẽ đầu tư cho forex, mà trước hết là tổng số tiền trong tài khoản giao dịch của bạn. Việc quản lý vốn sau đây sẽ được gọi là cách "đi tiền" - là cách bạn chọn việc sẽ vào 1 lệnh với khối lượng bao nhiêu lot? Rủi ro và lợi nhuận của 1 lệnh là bao nhiêu? Và tỷ lệ rủi ro của các lệnh so với tổng tài khoản là bao nhiêu?...

Dưới đây là 1 số cách đi tiền thông dụng:

- Đi tùy cảm hứng và tâm lý: Đây đúng hơn không được gọi là quản lý vốn, vì nó là sự ngẫu hứng và mang nặng cảm tính. Đây là cách đi tiền thường thấy ở các trader mới. Để thật sự bước sang nhóm các trader chuyên nghiệp thì bạn nhất định không được sử dụng cách đi tiền này. Với cách này thì khi thấy 1 lệnh "chủ quan đánh giá" là cơ hội tốt thì vào lệnh lớn, khi thấy "kèo không thơm lắm" thì vào lệnh nhỏ, hoặc khi tâm lý hưng phấn thì "tất tay", lúc ... chán chường hay... buồn vì bị gấu cho leo cây thì lại vào lệnh nhỏ... Việc đi tiền như vậy ẩn chứa rất nhiều rủi ro vì hoàn toàn là ngẫu hứng và ko có sự kiểm soát chủ động nào.

- Đi đều theo kế hoạch: Cách đi tiền này là việc lên 1 kế hoạch cho CÁC MỐC của tổng số dư tài khoản, và việc thay đổi khối lượng vào lệnh sẽ phụ thuộc vào các mốc đó. Đây là cách quản lý vốn khá tốt và đáng được cân nhắc sử dụng. Tuy nhiên kế hoạch cũng như hệ thống giao dịch của mỗi trader là khác nhau, do vậy mức độ hiệu quả của phương pháp quản lý vốn này cũng không giống nhau.

Ví dụ: Tài khoản có 1.000 usd, trader dự định giao dịch tối đa rủi ro của 1 lệnh là 5% tài khoản. Vậy quy ra 1 lệnh rủi ro lớn nhất là 50 usd, và 1 lệnh có mức đặt Stop Loss là 50 pip thì quy ra khối lượng vào lệnh sẽ là 0.1 lot. Kế hoạch của trader là sẽ giao dịch cố định 0.1 lot này cho đến khi tài khoản tăng lên 2.000 usd thì sẽ tăng lên 0.15 lot, rồi khi tài khoản tăng lên 3000 usd thì sẽ tăng lên 0.2 lot... hoặc khi tài khoản lỗ giảm về 800 usd thì hạ xuống 0.05 lot.... Các mốc đưa ra là tùy thuộc vào sự tính toán, kế hoạch, mục đích, và lộ trình của mỗi người

- Đi theo tỷ lệ tài khoản: Đây là chiến lược quản lý vốn theo cá nhân mình là tối ưu nhất, có tính ổn định nhất và độ rủi ro tương đối thấp. Phương pháp quản lý vốn này thường được các trader lâu năm sử dụng. Cách đi tiền này giúp tài khoản tăng trưởng cũng như suy giảm 1 cách từ từ và ổn định, vậy nên nó sẽ phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả của hệ thống giao dịch của bạn. Với 1 hệ thống giao dịch có tỷ lệ win trên 70% thì đây là 1 cách quản lý vốn tối ưu. Với cách quản lý vốn này thì trader sẽ đề ra 1 tỷ lệ phần trăm CỐ ĐỊNH của rủi ro 1 lệnh đối với SỐ DƯ HIỆN TẠI của tài khoản, và kỷ luật thực hiện điều đó. Với chiến lược này thì mốc 5% trên tổng tài khoản được coi là con số khá lý tưởng với 1 tài khoản có số vốn ở mức trung bình từ 5.000 - 10.000 usd. Tài khoản ít hơn thì có thể nâng mốc % lên 1 chút và tài khoản lớn hơn thì hạ mốc % xuống 1 chút. Ví dụ các quỹ đầu tư lớn thì rủi ro tối đa 1 thương vụ đầu tư (1 lệnh giao dịch) chỉ khoảng 2-3% tài khoản mà thôi. Lưu ý cách đi tiền này khác với cách "đi đều theo kế hoạch", với cách này thì khối lượng mỗi lệnh sẽ thay đổi ngay sau khi số dư tài khoản thay đổi, còn cách "đi đều theo kế hoạch" là chỉ thay đổi khối lượng giao dịch khi số dư tài khoản đạt các mốc cố định. Với cách đi tiền này thì việc để cháy 1 tài khoản là điều rất khó xảy ra hoặc rất lâu mới xảy ra NẾU tỷ lệ rủi ro bạn đặt ở mức dưới 10% tài khoản.

Ví dụ: Tài khoản bạn có 1.000 usd. Bạn xác định mốc rủi ro 1 lệnh là 10% tài khoản, vậy lệnh đầu tiên bạn sẽ giao dịch với rủi ro 100 usd (0.2 lot với Stoploss 50 pip). Nếu lệnh đó thắng tài khoản lên 1.100 usd thì lệnh tiếp theo bạn sẽ giao dịch với rủi ro 110 usd (0.22 lot với Stop Loss 50 pip). Hoặc nếu lệnh đầu thua tài khoản còn 900 usd thì bạn sẽ giao dịch với rủi ro 90 usd (0.18 lot với SL 50 pip)...


- Đi gấp thếp cấp số cộng: Đây là cách đi tiền mà lệnh 1 thắng thì giữ nguyên khối lượng giao dịch còn nếu lệnh 1 thua thì lệnh 2 sẽ tăng khối lượng lên 1 đơn vị (để vừa gỡ tiền thua cho lệnh 1 và có thêm số lợi nhuận cho lệnh 2), nếu lệnh 2 thắng thì lệnh 3 trở về mốc khối lượng của lệnh 1 còn nếu lệnh 2 thua thì lệnh 3 lại tiếp tục tăng khối lượng lên thêm 1 đơn vị nữa (để gỡ lại tiền thua cho lệnh 1 và lệnh 2), nếu lệnh 3 thắng thì lệnh 4 trở về mốc khối lượng lệnh 1 còn nếu lệnh 3 thua thì lệnh 4 lại tăng khối lượng thêm 1 đơn vị nữa (để gỡ lại tiền thua cho lệnh 1 và lệnh 3, và sẽ lỗ lệnh thua số 2)... Với cách này thì rủi ro tài khoản là khá lớn khi gặp 1 chuỗi các lệnh thua liên tục. Còn với hệ thống cho xen kẽ cách lệnh thắng và thua thì đây cũng là cách đi tiền có thể cân nhắc tới, tuy nhiên với cá nhân mình nó vẫn là khá mạo hiểm. Cách đi tiền này tạm gọi tắt là 1-2-3-4-5 (cấp số cộng). Để áp dụng cách này thì bạn cần xác định system của mình có khả năng giới hạn là tối đa bao nhiêu lệnh thua LIÊN TIẾP, từ đó dựa trên tổng tài khoản để quy ra mức khối lượng cho lệnh đầu tiên. Và dĩ nhiên khi thực tế giao dịch bị lỗ liên tiếp quá con số dự kiến đó thì tài khoản chính thức ...thành than (cháy khét). Với chiến lược quản lý tiền này thì con số cấp số cộng càng dài thì rủi ro tài khoản sẽ càng giảm xuống.

Ví dụ: Tài khoản 1000 usd, 1 lệnh vào đều có mức stop loss 50 pip, và bạn tự tin system của bạn KHÔNG THỂ THUA LIÊN TIẾP 4 lần được (tệ lắm thua 3 lần liên tục, tới lệnh thứ 4 là sẽ win) thì tài khoản sẽ có chuỗi cấp số cộng là 1-2-3-4, cộng tất cả lại sẽ là 10 đơn vị. lấy 1000 chia cho 10 thì ra con số 100 usd, và 100 usd chia cho 50 pip sẽ ra con số 0.2 lot. Vậy lệnh đầu tiên là 0.2 lot (100 usd) , nếu thua lên 0.4 lot (200 usd) (còn thắng thì về 0.2 lot), thua tiếp lên 0.6 lot (300 usd) (nếu thắng thì về lại mốc 0.2 lot), thua tiếp lên 0.8 lot (400 usd) (thắng thì về mốc 1 là 0.2 lot), nếu thua nữa là vừa hết sạch 1000 usd (nếu thắng cũng về lại mốc 1 là 0.2 lot). 

Còn nếu cũng 1000 usd này bạn đưa ra số lệnh là 5 (có thể thua liên tiếp 4 lệnh) thì chuỗi cấp số cộng là 1-2-3-4-5, cộng tất cả lại sẽ là 15, lấy 1000 chia cho 15 sẽ ra con số làm tròn 67 usd, vậy lệnh đầu tiên là 67 usd chia cho 50 pip sẽ ra 0.134 lot (sẽ giao dịch làm tròn 0.13 lot). Vậy lệnh đầu 0.13 lot, lệnh 2 là 0.26 lot, lệnh 3 là 0.39 lot... cứ như vậy bạn sẽ tính ra nếu thua đủ 5 lần liên tục thì vừa hết tài khoản...


- Đi gấp thếp cấp số nhân: Cách đi tiền này là mạo hiểm và chứa rủi ro lớn, đây là cách đi tiền giống với cách đi gấp thếp cấp số cộng nhưng sau mỗi lệnh thua thì khối lượng của lệnh ngay sau đó là gấp đôi lên. Với cách đi tiền này chỉ cần có 1 lệnh thắng là sẽ vừa gỡ được tất cả các lệnh thua trước đó KÈM THEO 1 khoản lợi nhuận nữa, và giống như cấp số cộng thì con số cấp số nhân bạn dự kiến cho tài khoản càng dài thì rủi ro tài khoản cũng càng giảm. Cách đi tiền này tạm gọi là 1-2-4-8

Ví dụ: Tài khoản 1000 usd, stop loss 50 pip cho 1 lệnh, cấp số nhân cho phép là 4 (chỉ được thua liên tiếp tối đa 3 lần, lần thứ 4 phải thắng nếu không sẽ cháy tài khoản). Vậy cấp số nhân của bạn sẽ là 1-2-4-8. cộng hết lại thì ra con số 15, vậy lấy 1000 chia cho 15 sẽ được làm tròn là 67 usd, vậy lệnh đầu là 67 chia cho 50 pip ra 0.134 lot (làm tròn 0.13 lot), vậy chuỗi lệnh bạn đi sẽ là 0.13 lot - 0.26 lot - 0.52 lot - 1.04 lot


- Đi full tài khoản: Đây là cách quản lý vốn có rủi ro lớn nhất, nguy hiểm nhất với mọi trader. Cách này chỉ thấy ở những trader rất tự tin vào system của bản thân, rất hiếm lệnh thua và tài khoản nhỏ cần đẩy nhanh lên trong giai đoạn đầu, sau khi đạt các mốc số dư tài khoản lớn hơn nhiều lần thì mới thật sự dùng các phương pháp quản trị vốn.

Cách đi full tài khoản cũng có thể thấy nếu 1 trader xác định mỗi tài khoản giao dịch chỉ là 1 phần trong tổng số vốn đầu tư của họ, có nghĩa là họ định đầu tư 10.000 usd chẳng hạn, thì họ mở tài khoản 100 usd và giao dịch full tài khoản, nếu cháy họ nạp thêm... có thể hiểu với cách này thì mỗi "chuỗi các lệnh giao dịch" sẽ là 1 thương vụ đầu tư chứ ko phải là 1 lệnh như thông thường.

- Đi theo cách "không giống ai": Đó là việc bạn tự đưa ra 1 cách đi tiền riêng của bản thân bạn. Ví dụ như chuỗi cấp số hỗn hợp 1-2-1 (thắng 1 lệnh bất kỳ thì nhân đôi khối lượng, sau khi nhân đôi dù thắng hay thua cũng quay về mốc 1, cách này chỉ cần có 1 chuỗi 2 lệnh thắng liên tiếp nhau thì sẽ bù cho 3 lệnh thua đơn lẻ...).... Miễn sao bạn thấy nó phù hợp với system của bạn, và trên tất cả nó phải được hoạch định trước và nằm trong kế hoạch đã có tính toán chủ động từ ban đầu.


KINH NGHIỆM TRONG CÁCH QUẢN LÝ VỐN:

- Tâm lý là hàng đầu: Quản lý vốn và tâm lý giao dịch có mối liên quan mật thiết lẫn nhau. Việc lập kế hoạch và kỷ luật thực hiện quản lý vốn thì luôn mang lại sự vững vàng về tâm lý do trader luôn biết mình đang ở giai đoạn nào của kế hoạch. Và tâm lý giao dịch càng vững thì việc quản lý vốn càng thuận lợi hơn vì không có sự nao núng nào nếu có gặp phải những lệnh thua.

- Lựa chọn 1 phương pháp quản lý vốn phù hợp với cả SYSTEM và TÍNH CÁCH của bản thân: Quan trọng nhất trong quản lý vốn là bạn phải hiểu rõ system của chính mình, hiểu rõ đặc điểm của system, tỷ lệ thắng khoảng bao nhiêu, thường gặp các chuỗi lệnh thua liên tiếp hay là nó chỉ xen kẽ với cách lệnh thắng... tất cả những điều này chỉ được nhìn thấy sau khi bạn có giai đoạn test system kỹ lưỡng từ trước và chỉ có chính bạn mới hiểu và có lựa chọn phù hợp nhất dù có thể cách quản lý vốn đó...không giống ai cũng không sao hết, miễn là nó HIỆU QUẢ với chính bạn là đủ rồi.

- Kiềm chế - Kiềm chế - LUÔN KIỀM CHẾ: Kiên nhẫn, kiềm chế cảm xúc để kỷ luật thực hiện những kế hoạch đã đặt ra. Kiềm chế được cảm xúc thì kỷ luật mới được thực thi, đó chính là then chốt cho sự thành bại

- Luôn nhìn vào bản kế hoạch - Nhìn vào lộ trình đường dài: Trong quá trình giao dịch bạn luôn phải để bản kế hoạch bên cạnh, để luôn biết mình đang ở đâu, cần làm gì, từ đó sẽ dần rèn luyện được kỷ luật và kiềm chế cảm xúc. 

- Kiên nhẫn thực hiện và kiên trì theo đuổi mục tiêu: Đây là điều cuối cùng mình muốn chia sẻ trong bài viết này. Mọi con đường dẫn tới thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng cần đến yếu tố kiên trì và KHÔNG BAO GIỜ BỎ CUỘC. Nếu bỏ cuộc là bạn đã thua, còn nếu KHÔNG BỎ CUỘC thì chiến thắng nhất định tới - chỉ là SỚM HAY MUỘN mà thôi.

Trên đây là những gì mình chia sẻ về 1 góc nhìn cá nhân đối với quản lý vốn trong giao dịch Forex. Hy vọng ngoài những kiến thức về phân tích kỹ thuật để thiết lập 1 hệ thống giao dịch ra, thì bạn cũng sẽ lưu tâm đến vấn đề quản lý vốn - rất quan trọng trong đầu tư forex. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích bạn nha. Hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo

Trân trọng,
CaPhiLe.Com


5 comments:

  1. Kiến thức rất hay. Cảm ơn bạn nhiều.

    ReplyDelete
  2. Hi bạn, rất thích đọc bài của bạn,hiện giờ mình đang tìm hiểu về quản lý vốn trong forex,đã đọc bài của bạn,nếu bạn có file excel về vấn đề này ,bạn cho mình xin để tham khảo được không,cảm ơn rất nhiều về bài viết này.

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn, cảm ơn bạn đã đọc và để lại góp ý. Về quản lý vốn có vô vàn cách mà mỗi người sử dụng đều không giống nhau. Ví dụ như bài viết chỉ liệt kê sơ qua thôi cũng đã có khá nhiều con số nếu chuyển hóa nó thành bảng tính, do vậy mình ko làm file excell về quản lý vốn. Hiện tại cá nhân mình ở giai đoạn này đang quản lý vốn đi gấp thếp theo cấp số cộng

      Delete
  3. Tuyệt vời! Cảm ơn tác giả!

    ReplyDelete