Forex world

October 22, 2018

5 Lý Do Giao Dịch Ngược Xu Hướng

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao đa số trader lại giao dịch ngược xu hướng? Vì sao phần lớn đều thích bắt đỉnh / bắt đáy? Bài viết này sẽ chia sẻ cho bạn 1 góc nhìn rõ hơn về nguyên nhân của vấn đề này.

Đầu tiên, vẫn là 1 quan điểm khách quan cần quán triệt ngay và luôn - đó là việc giao dịch theo xu hướng hay giao dịch ngược xu hướng ĐỀU ĐƯỢC, cả 2 trường phái đều có ưu nhược điểm riêng và tất nhiên đều dẫn tới đích đến sau cùng. Miễn là khi chúng ta đặt lệnh giao dịch dù tại bất kỳ vùng giá nào và đang thuận hay nghịch xu hướng thị trường thì ta cần PHẢI BIẾT MÌNH ĐANG ĐỨNG Ở ĐÂU trong bức tranh tổng thể của thị trường, để từ đó có được mục tiêu cụ thể cho lệnh giao dịch (ăn dài hay ngắn, chốt lời và dừng lỗ tại đâu, khối lượng vào lệnh nhiều hay ít...)


Vậy, dựa trên luận điểm khách quan đó, thì đáng lẽ ra tỷ lệ người giao dịch thuận và nghịch xu hướng phải xấp xỉ nhau, nhưng thực tế thì đa số (có thể là trên 70% theo nhận định của cá nhân mình) nhà đầu tư lại đã và đang giao dịch ngược xu hướng. Và sau đây là 5 lý do thực tế dẫn tới điều này:

1. GIAO DỊCH NGƯỢC XU HƯỚNG...DỄ ĂN HƠN: 

Nghe qua thì có vẻ hơi bất hợp lý, thậm chí có người sẽ...ngẩn tò te hoặc bật ngửa vì kết luận có vẻ hoang đường, nhưng thực tế lại... đúng là như vậy. Nếu không tin bạn cứ trải nghiệm giao dịch 1 thời gian và sau đó quay lại xem kết luận như vậy có đúng hay không nhé. Tuy nhiên, điều mình khẳng định chỉ là DỄ ĂN HƠN - nhưng lại không nói là ĂN NHIỀU HƠN HAY ĂN ÍT HƠN so với giao dịch thuận xu hướng.

Vậy, giờ thì kết luận đầy đủ hơn 1 tý: giao dịch ngược xu hướng dễ ăn hơn nhưng thường là ăn ít hơn và mạo hiểm hơn giao dịch thuận xu hướng!

Điều này là ĐÚNG, nếu nhìn vào biểu đồ giá của thị trường forex làm mẫu điển hình, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy trong 1 xu hướng chính thì giá sẽ RẤT HAY có những con sóng nhỏ hồi về (ngược với con sóng chính), và sóng nhỏ đó chính là những lệnh ĂN NGƯỢC - VÀ THƯỜNG ĂN ÍT của những trader đánh ngược trend.


2. ĐÁNH NGƯỢC TREND NHIỀU ĐIỂM VÀO HƠN:

"Phần lớn thời gian thị trường là chạy theo xu hướng" - kết luận kinh điển này vẫn luôn đúng, nhất là với trader đi theo trường phái phân tích kỹ thuật. Thực tế đúng là như vậy, mình có thể ví dụ bằng biểu đồ giá vàng (GOLD) ở dưới đây với khung thời gian D1 (ngày):



Quá rõ ràng phải ko? phần lớn thời gian trong năm nay là giá đi trong xu hướng chủ đạo là giảm, kéo dài từ đầu tháng 4/2018 tới đầu tháng 10/2018 vẫn là giảm, còn hiện tại thì thị trường đang đi ngang trong tháng 10 này.

Vậy nếu là người giao dịch ngược xu hướng, mình giả sử điểm vào lệnh của họ rất tối ưu (chỉ là giả sử nhé) thì có vô số điểm MUA (mũi tên đi lên), còn với người giao dịch thuận xu hướng để có điểm vào tối ưu họ sẽ phải chờ đợi và chỉ có vài ba điểm vào lệnh mà thôi (mũi tên chỉ xuống). LƯU Ý ở đây mình mới chỉ nói tới TẦN SUẤT - TỨC LÀ SỐ CƠ HỘI XUẤT HIỆN điểm vào lệnh tối ưu (tiêu chí tối ưu sẽ phụ thuộc vào hệ thống của mỗi người), chứ mình không hề nói tới biên độ lợi nhuận đạt được của lệnh giao dịch nhé.

Cũng tương tự như khung D1 (ngày), thì các khung thời gian khác như H4 (4 giờ), H1 (1 giờ), M15 (15 phút),... cũng sẽ có SỐ CƠ HỘI XUẤT HIỆN điểm vào lệnh với trader giao dịch ngược xu hướng là NHIỀU HƠN ĐÁNG KỂ so với phía bên kia chiến tuyến.

Chính điều đó cộng với việc các trader thường sẽ không thể dán mắt vào thị trường 24/24 để "canh me" cũng như đủ kiên nhẫn để ngồi "rình" điểm vào lệnh được, nên họ thường chọn giải pháp giao dịch ngay khi xem biểu đồ và thấy cơ hội "có vẻ chấp nhận được" - Đó đa số là các lệnh giao dịch ngược xu hướng.


3. THỜI GIAN ĐỂ VÀO LỆNH GIAO DỊCH THUẬN XU HƯỚNG RẤT NGẮN NGỦI:

Đây chính là yếu tố then chốt và cốt lõi nhất của vấn đề, nếu ai là tín đồ của follow trend (giao dịch thuận xu hướng) đã và đang giao dịch theo xu hướng thì sẽ là người hiểu rõ nhất. Họ sẽ rất thường xuyên xem biểu đồ giá rồi ... vỗ đùi 1 cái đét và thốt lên "đậu xanh rau má... giá nó về đây mà ko vào kịp nó phọt theo trend up rồi, đúng là đau hơn... hoạn".

Để lý giải điều này theo góc độ kỹ thuật không khó, vì trong 1 xu hướng tăng, giá hồi về vùng cản quan trọng (mình tạm gọi là vùng nghỉ tới hạn) nó sẽ nhanh chóng bật tăng mà rất ít khi cho nhà đầu tư cơ hội để ngồi đắn đo cân nhắc, nếu ko tin bạn cứ mở biểu đồ lên và quan sát sẽ thấy khá ít trường hợp giá hồi về vùng cản (của 1 xu hướng tăng) mà lại "xà quần" ở đó rất lâu rồi mới bật lên, đa số sẽ thò 1 cái chân xuống rồi rút nhanh lên trở lại (1 cây pinbar chẳng hạn), đó là biểu hiện thông thường - và hợp lý của 1 xu hướng rõ ràng và mạnh mẽ, còn nếu nó nghỉ ngơi lâu ở vùng nghỉ tới hạn thì xác suất của việc đảo chiều xu hướng sẽ tăng lên dần - hãy thận trọng nếu bạn đang giao dịch thuận xu hướng. Tất nhiên giải pháp cho những trường hợp vào lệnh tại đây hoàn hảo nhất vẫn là dùng lệnh chờ limit (ví dụ mua trong xu hướng tăng giá này là buy limit), chúng ta sẽ vẫn khớp lệnh giá tối ưu nhất ngay cả khi đang nằm tắm trên bãi biển...


4. GIAO DỊCH NGƯỢC XU HƯỚNG ĂN...DÀY HƠN:

Đọc tới đây có gì đó sai sai không bạn? Ở trên nói là thường "bẻ trend" thì ăn ngắn hơn, sao giờ nói ăn dày hơn? Cái đó là CHÍNH XÁC đó nhưng kèm điều kiện NẾU VÀO ĐÚNG VÙNG ĐỈNH ĐÁY. Và miếng bánh "bỏ ít ăn nhiều" (stoploss ngắn takeprofit dày) luôn luôn đem lại sức hấp dẫn 1 cách kỳ lạ với các trader. Chính bởi tâm lý đã dần dần dẫn dắt các trader đi theo hướng giao dịch ngược xu hướng nhiều hơn nhằm tìm kiếm các vùng giá đỉnh và đáy. Việc bắt đỉnh đáy đúng hay sai mình không đưa ra ý kiến ở đây vì mỗi thứ đều có ưu nhược điểm riêng của nó, tất cả chỉ nằm ở cách sử dụng của mỗi người mà thôi.


5. ĐA SỐ CÁC CHỈ BÁO KỸ THUẬT ĐỀU BÁO ĐỈNH VÀ ĐÁY:

Thực tế đúng là như vậy, hầu hết các chỉ báo kỹ thuật - là con đường hầu như trader nào cũng trải qua trong giai đoạn đầu của "sự nghiệp" đều liệt kê các tín hiệu đảo chiều, tín hiệu báo đỉnh, báo đáy. Thậm chí là các mẫu hình nến candlestick - là công cụ cơ bản nhất trong phân tích kỹ thuật cũng áp đảo với các mô hình báo đỉnh đáy (đảo chiều), còn các mẫu hình tiếp diễn thì lại ít hơn hẳn).

Việc thực trạng các trader vô hình bị áp đặt vào các kiến thức cần trang bị đó đã dẫn dắt họ vào tư tưởng "phải bắt được đỉnh đáy thì mới thành công" (giống như ở VN trẻ từ nhỏ đã luôn bị "nhồi nhét" tư tưởng là "học cho giỏi - có bằng cấp tốt - ra trường là có việc làm rồi  sẽ giàu có)

Trên đây là 5 nguyên nhân giao dịch ngược xu hướng của đa số nhà đầu tư trên thị trường forex nói riêng và thị trường tài chính nói chung. Hy vọng bài viết sẽ mang lại chút giá trị cho bạn đọc.

Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ bài viết này. Hẹn gặp lại trong các bài tiếp theo

Trân trọng,
CaPhiLe.Com

No comments:

Post a Comment