Forex world

March 07, 2018

Sử Dụng Ichimoku Kinko Hyo Thế Hệ 4.0

Ichimoku Kinko Hyo là một trong những chỉ báo kỹ thuật mình luôn sử dụng trong suốt 5 năm qua. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ với bạn những ưu điểm vượt trội cũng là lý do mà mình không bỏ nó ra khỏi biểu đồ phân tích. Và xin được mượn hàm ý về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để "giật tít" cho bài viết này với kỳ vọng nó sẽ mang lại những điều mới mẻ cho bạn sau khi đọc nội dung.

Đầu tiên mình cần nói rõ quan điểm cá nhân mình về các chỉ báo kỹ thuật nói chung. Thực sự sau 1 quá trình mình tìm hiểu và sử dụng các chỉ báo kỹ thuật, cá nhân mình nhận thấy các chỉ báo kỹ thuật phần lớn đều có độ trễ, do vậy nếu chúng ta sử dụng nó thuần túy theo lý thuyết thì kết quả phần lớn là sẽ thất bại. Điều cần thiết ở mỗi trader đi theo trường phái phân tích kỹ thuật nếu sử dụng chỉ báo cần phải tự mày mò trải nghiệm và đúc kết ra 1 phương pháp giao dịch với những góc nhìn riêng, nó ẩn chứa trong đó cả yếu tố kinh nghiệm, cả yếu tố tâm lý giao dịch, phong cách giao dịch và cá tính riêng của mỗi người - và chắc chắn sẽ khó có ai giống nhau được. Quan điểm này mình cũng có đề cập trong bài viết "Cách sử dụng chỉ báo kỹ thuật ... độc nhất vô nhị". 

Với cá nhân mình, mọi con đường khác nhau cuối cùng cũng hội tụ đến 1 chân lý duy nhất, có nghĩa rằng bạn sử dụng chỉ báo kỹ thuật, mình không sử dụng, người khác lại dùng phân tích cơ bản, người nọ lại dùng tin tức, người kia lại sử dụng phân tích tâm lý.... tất cả đều sẽ dẫn tới 1 điểm đến duy nhất mà thôi, và khi trader sử dụng thành thạo 1 chỉ báo thì nếu có chèn nó vào hay không cũng không còn quá quan trọng nữa bởi vì họ đã thuộc nằm lòng rồi, có không sử dụng họ cũng tự hình dung và có được "cảm giác" về nó. Do vậy mình tạm kết luận là phương tiện và công cụ để đi trên hành trình không quá quan trọng, miễn sao đi được tới đích là ok.

Giờ thì bắt đầu nội dung chính, nói về lý thuyết khái niệm và cấu tạo của Ichimoku Kinko Hyo thì mình không đề cập tới nữa vì ai cũng đã biết rồi, có thể xem sơ qua hình ảnh này là thấy rõ những thành phần của Ichimoku



Và sau đây là những điều mình đã và đang sử dụng Ichimoku như là 1 ưu điểm, những điều này là ichimoku cơ bản hay ichimoku nâng cao là tùy thuộc vào mức độ hiểu biết của mỗi người vào chỉ báo này:

- Đường Chikou Span - Màu xanh lá cây (trên hình ai đó viết lộn thành chickou - Ảnh chôm từ google đỡ phải vẽ) với mình nó chỉ là đường trễ của giá, chức năng của nó đơn giản như là 1 biểu đồ line chart, do vậy nhìn thoáng qua sẽ dễ dàng nhận diện các vùng cản (kháng cự / hỗ trợ), vì biểu đồ line sẽ loại bỏ được phần nhiễu của giá do các bóng nến Candlestick tạo nên. Nếu ai thích sử dụng nó thì cứ để mặc định, còn cá nhân mình do đã trót tôn sùng nến Candlestick nên mình sử dụng ichimoku thường là ẩn luôn đường này đi và hoàn toàn không dùng tới nó.

- Đường Tenkan-Sen màu đỏ ai cũng biết nó chỉ là đường trung bình 9 phiên, nếu chèn vào thì có thể nhận diện sớm những biến động nhỏ của giá (khi tương tác với đường này tại các vùng cản hoặc tạo khoảng cách và độ dốc khi chạy theo xu hướng), cá nhân mình do nhìn quen rồi nên cũng hoàn toàn không sử dụng tới đường này (ẩn đi nốt)

- Đường Kijun-Sen: Đây được coi là linh hồn trong chỉ báo kỹ thuật, cá nhân mình đánh giá rất cao đường Kijun. Mặc dù bản chất đường kijun cũng như Tenkan - mang chức năng của đường trung bình tính cho 26 phiên, nhưng nó phản ánh cục diện chung tốt hơn Tenkan (Tenkan chỉ phản ánh ngắn hạn), và quan trọng nhất là NÓ CÓ FLAT (phẳng). Với 1 đường FLAT KIJUN sẽ cho ta biết được rất nhiều điều hay ho (mình sẽ diễn giải phía dưới qua ví dụ). 

Khi kijun trở nên phẳng thì nó đang tạo thành 1 lực hút giá - gây nên 1 áp lực giá có thể sẽ hồi về vùng flat đó. Trong khi tính năng vốn có của Kijun như là "đường trục" của giá - tức là giá sẽ luôn di chuyển xoay quanh đường Kijun (vì nó là đường trung bình 26 phiên mà). Vậy khi kết hợp 2 điều này lại trong bối cảnh 1 vùng giá bất thường trong 1 xu hướng rõ ràng thì bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra???

Ví dụ xu hướng đi xuống, và giá lại hồi quá nhiều leo lên trên cả đường kijun (điều bất thường), cộng với kijun khi đó flat (phẳng) thì việc giá quay đầu cắm xuống ít nhất là về vùng flat là 1 khả năng rất lớn, đúng không nào? Ví dụ ở biểu đồ cặp tiền forex EUR/USD dưới đây các điểm mũi tên chỉ xuống đều là những vị trí như vậy:


Để diễn giải điều này về mặt lý thuyết thì cũng không có gì khó hiểu, trong 1 xu hướng xuống thì áp lực giá giảm là cao hơn áp lực giá tăng. Còn Kijun là giá trung bình của 26 phiên giao dịch gần nhất, như vậy giá hiện tại cao hơn mức giá trung bình của 26 phiên gần nhất là 1 điều bất thường (mất cân bằng) trong khi xu hướng xuống vẫn hiện hữu thì rõ ràng đây là 1 cơ hội để SELL và xác suất giành thắng lợi là cao hơn.

Khi sử dụng Kijun với tính năng Flat thì nếu kết hợp với Flat Kumo (mây phẳng) sẽ nâng cao hiệu quả giao dịch hơn 1 bậc, đặc biệt là 2 vùng flat của 2 thành phần này trùng nhau, nếu thấy hứng thú và yêu thích món "í chị mò ku" này thì bạn hãy thử để ý điều đó xem sao.

Đường Kijun mình cũng coi nó như 1 "bức tường ngăn cản sự đảo chiều xu hướng". Có thể dễ dàng nhận thấy trong 1 xu hướng đi xuống chẳng hạn, thì đoạn đầu của xu hướng giá thường sẽ hồi lên cao hơn đường kijun (trend còn yếu), sau đó xu hướng giảm mạnh dần lên thì giá mỗi lần hồi lên chỉ tiệm cận đường kijun là lại bị đẩy xuống.... tới khi xu hướng yếu dần thì giá lại vượt lên cao hơn kijun và lại hồi xuống tuy nhiên nếu xảy ra đảo chiều thì giá có thể chỉ hồi về quanh đường kijun rồi bật lên luôn và kết thúc 1 xu hướng giảm giá (Như ở mũi tên cuối cùng hình trên, giá hồi về flat kijun và bật lên đánh dấu xu hướng giảm đã kết thúc). Bạn có thể hình dung kijun (cũng như mây kumo) nó bị dội vào nhiều (giá hồi về nhiều) thì sẽ yếu dần (xu hướng yếu dần) và cứ như vậy nó sẽ vỡ tan (kết thúc xu hướng)...

Tất nhiên trong xu hướng đi ngang (sideway) thì flat Kijun cũng đóng vai trò tương tự, nó sẽ là trục xoay để giá đi quanh nó, khi giá lên cao thì nó sẽ hút giảm về và ngược lại, có thể coi vùng di chuyển của kijun như là vùng cân bằng động - đúng với vai trò của đường trung bình - là bản chất vốn có của nó.

Ngoài ra Kijun còn giúp ta dễ dàng nhìn ra điểm fibonacci retracement 50% rất chính xác, bạn hãy từ từ kiểm chứng nó nhé, đây là 1 tính năng rất hay mà mình rất tâm đắc, để dễ dàng trong việc quan sát nhất là trên Mobile mà không cần phải kẻ Fibo


Mây Kumo: Với mây kumo thì có rất nhiều điều để khám phá, vì nó có muôn hình vạn dạng, khi thì nó dày, lúc lại mỏng, khi thì dốc, lúc lại thoải, cũng có lúc phình ra như ... bà bầu, lúc lại ra dạng 2 màu đối xứng nhau... Do vậy nếu sử dụng lâu bạn ắt sẽ tự đóng khuôn cho nó các "thế" nhất định mang tính hiệu quả cao. Còn trong phạm vi bài viết này mình sẽ chỉ nêu lên được vai trò của nó trong việc kết hợp với Kijun ở tính năng Flat (phẳng) và vai trò của nó trong việc xác định xu hướng cũng như độ mạnh yếu của xu hướng khi phân tích biểu đồ giá.

Đầu tiên là tính năng Flat, như đã nói ở trên, khi Kumo Flat cũng sẽ tạo 1 lực hút như Flat Kijun. Tuy nhiên bạn cần hết sức lưu ý lực hút này là LỰC HỒI chứ không phải lực tiếp diễn đâu nhé. Lực hồi thường lớn dần lên nếu xảy ra hiện tượng quá mua hoặc quá bán, tức là tâm lý thị trường quá hưng phấn và giao dịch vượt quá vùng biên độ cân bằng của giá (xem thêm trong bài viết xu hướng và thuyết âm dương) dù cho lực đó là thuận hay nghịch xu hướng thì nó cũng là lực hồi VỀ VÙNG CÂN BẰNG, còn sau khi giá về vùng cân bằng nó có tiếp tục xu hướng hay sẽ đảo chiều lại là 1 câu chuyện khác. Do vậy việc kết hợp yếu tố này với lực tương hỗ từ xu hướng chung sẽ mang tới hiệu quả giao dịch cao hơn (hướng đi của lực hồi thuận với xu hướng chung).

Thêm 1 lưu ý cho cả Kumo và kijun, đó là cần luôn có sự kết hợp với các yếu tố quan trọng khác trong phân tích kỹ thuật (cá nhân mình đánh giá là những yếu tố không thể thiếu) đó là kết hợp PHÂN TÍCH ĐA KHUNG THỜI GIAN, xem xét tín hiệu của KHỐI LƯỢNG và sử dụng yếu tố TIMING trong giao dịch (đã đề cập trong các bài viết khác trên blog này).

Giờ là yếu tố xu hướng qua biểu hiện của Kumo, cũng giống như Kijun thì Kumo cũng như "bức tường ngăn cản sự đảo chiều xu hướng", nhưng mây kumo có sự biểu hiện rõ rệt và dễ quan sát hơn nhiều so với Kijun.


Có 2 điều cần ghi nhớ khi quan sát mây kumo để xác định xu hướng thị trường, đó là:

1. Vị trí của giá so với mây cho thấy xu hướng hiện tại: Giá lệch trên mây và mây đi lên thì rõ ràng là xu hướng tăng giá và ngược lại là xu hướng giảm giá. Nếu giá chưa có sự tiếp xúc lần nào với mây thì xu hướng đó còn mạnh (tường chưa bị tông lần nào thì làm sao đổ). Nếu giá liên tục tiệm cận tiếp xúc vào mây thì xu hướng đã bắt đầu yếu dần. Còn sau khi giá tiếp xúc nhiều lần và "leo lên xà quần trên mây" (với xu hướng đang tăng) hoặc "chui xuống xà quần dưới mây" (với xu hướng đang giảm), có thể lúc đó sẽ đồng thời xảy ra việc mây đổi màu thì xu hướng đã rất yếu - nó có thể xảy ra đảo chiều NẾU KHUNG THỜI GIAN LỚN HƠN XÁC NHẬN ĐIỀU ĐÓ, tức là ở đây có thể xảy ra 1 cú đảo chiều hoặc xảy ra 1 cú break theo hướng tiếp diễn xu hướng cũ, và để nhận biết và dự đoán được điều nào xảy ra chỉ có thể thông qua phân tích đa khung thời gian mà thôi.

2. Phân tích đa khung thời gian: Điều số 1 sẽ không còn là chính xác nếu không sử dụng phân tích đa khung thời gian (xem xét khung thời gian lớn hơn). Nhớ luôn khắc ghi điều này

Sau đây là vài ví dụ cụ thể:

Ngày hôm qua 6/3/2018 mình có đưa ra tín hiệu SELL với cặp tiền USD/JPY . Vì lý do tại khung H4 xu hướng đi xuống là rất rõ ràng, mình sell tại mũi tên màu đỏ:


Tại khung H4 giá vẫn nằm lệch dưới mây (không phải nằm dưới hoàn toàn mà là lệch dưới - tức là xu hướng vẫn còn nguyên và chưa hề yếu đi), kết hợp giá lại đang ở ngay vùng kháng cự, đồng thời tại khung thời gian H1 khi đó có tín hiệu Flat Kijun trong khi giá leo lên trên cả mây lẫn trên Kijun - Đó là 1 sự mất cân bằng, hơn nữa khi đó kumo cũng xảy ra flat và trùng vào vùng flat kijun, do vậy mình quyết định sell và vùng take profit mục tiêu là quanh flat kijun



Hoặc như ví dụ sau đây:

Tại H1 Cặp EUR/USD xu hướng giảm chỉ kết thúc sau khi giá "chui xuống xà quần dưới mây" (đi ngang tạo nhiều đỉnh đáy và khi đó có sự tiếp xúc nhiều lần với mây, giá nằm dưới mây rõ ràng)


Sự ủng hộ đảo chiều của H1 được xác nhận vì tại D1 xu hướng tăng giá rất rõ ràng và giá đang ở vùng kết thúc điều chỉnh:


Đồng thời tại H4 tuy có xảy ra cú break giảm mạnh xuống nhưng mây kumo khi đó đã xuất hiện Flat (lưu ý tại vùng giá ở đáy bật lên là khi đó mây kumo đã có hình thái flat trước rồi do mây được vẽ ở thì tương lai - xem thêm trong lý thuyết về ichimoku nếu bạn chưa biết điều này nhé)



Trên đây là vài chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân mình khi sử dụng chỉ báo kỹ thuật ichimoku. Chỉ cần bạn yêu thích nó và thấy phù hợp với bản thân thì hãy liên tục đào sâu nghiên cứu ắt có ngày sẽ trở thành cao thủ ichimoku đích thực. Hy vọng bài viết sẽ mang lại đôi điều mới mẻ cho bạn đọc. Hãy chia sẻ nếu thấy nó hữu ích, và hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo.

Trân trọng,

10 comments:

  1. Đây là kinh nghiệm quí giá, mình thấy càng thích ichimoku. Cám ơn nhiều.

    ReplyDelete
  2. Cảm ơn bác vì bài chia sẻ :)
    Em cũng đang tìm hiểu về Ichimoku, không biết bác có thể chia sẻ thêm về Ichi không ạ?

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn bạn đã ghé qua blog, những gì cơ bản mình đã chia sẻ trong bài viết này rồi, còn lại thì cần trực tiếp trader trải nghiệm và tự đúc rút ra thì nó mới thật sự hiệu quả và phù hợp với bản thân mỗi người

      Delete
  3. Cám ơn tác giả, bài viết câu vĂn rất ấn tượng==> dể nhớ.

    ReplyDelete
  4. Cảm ơn bạn, bài viết rất hay. Bạn có thể nói rõ hơn 1 chút về đoạn "Kijun còn giúp ta dễ dàng nhìn ra điểm fibonacci retracement 50% rất chính xác" được không ? Cảm ơn bạn rất nhiều !

    ReplyDelete
    Replies
    1. Chào bạn, thường những đoạn Kijun phẳng (flat) thì đó cũng chính là mốc fibo 50% của con sóng liền kề trước nó. Bạn có thể đo fibo các con sóng trên biểu đồ sẽ nhận diện ngay được điều này nhé.

      Delete
  5. Cảm ơn bạn rất nhiều ! Trang của bạn có nhiều bài hay quá !

    ReplyDelete