Forex world

March 04, 2018

4 Lưu Ý Khi Giao Dịch Với Pinbar

4 Lưu Ý Khi Giao Dịch Với Pinbar sẽ là bài viết mang đến cho bạn 1 góc nhìn khác về mẫu hình nến Candlestick rất được ưa chuộng và áp dụng rộng rãi này.

Đầu tiên ta cùng xem lại khái niệm của mẫu hình Pinbar, nó được thể hiện như hình sau:

Một pinbar báo giảm giá là mẫu hình có bóng trên dài + thân ngắn + bóng dưới ngắn

Một pinbar báo tăng giá là mẫu hình có bóng dưới dài + thân ngắn + bóng trên ngắn

Màu sắc của nến pinbar theo lý thuyết là không quá quan trọng, nó có thể là xanh hoặc đỏ (trắng hoặc đen / tăng hoặc giảm), nhưng rõ ràng 1 pinbar báo giảm giá nếu có màu đỏ hoặc 1 pinbar báo tăng giá nếu có màu xanh thì vẫn có độ tin cậy cao hơn.


Và sau đây là 4 lưu ý khi sử dụng mẫu hình nến pinbar THEO QUAN ĐIỂM CÁ NHÂN MÌNH, những nội dung này mình cũng từng chia sẻ 1 phần nào trên diễn đàn Vàng Sài Gòn dưới nick là Ca_Phi_Le, tuy nhiên bài viết đó cách đây cũng đã lâu rồi, mình tổng hợp lại và bổ sung thêm cho đầy đủ hơn.


1. PINBAR THỰC SỰ ĐÁNG TIN CẬY:

Đây là điều khẳng định đầu tiên của mình, nếu bạn thực sự đánh giá cao pinbar và muốn áp dụng nó hiệu quả thì đầu tiên bạn phải có niềm tin với mẫu hình nến Candlestick này, ít nhất điều đó sẽ giúp bạn vượt qua những giai đoạn khó khăn trên cuộc hành trình chinh phục thị trường forex đầy gian nan và vất vả.

Pinbar thực sự đáng tin cậy vì nó cho thấy tín hiệu có thể xảy ra đảo chiều. Lưu ý rằng tín hiệu đảo chiều chỉ là CÓ THỂ xảy ra thôi chứ không chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng ít nhất đây là 1 tín hiệu sớm nhất từ thị trường được biểu hiện qua nến Candlestick. Vì khi Pinbar xuất hiện nó cho thấy thị trường đã nhanh chóng từ chối 1 mức giá mới và quay về đóng cửa phiên giao dịch quanh mức giá cũ, điều này vừa là biểu hiện về mặt kỹ thuật cũng là biểu hiện của tâm lý giao dịch trong thị trường.

Nhiều trader chỉ sử dụng pinbar để vào lệnh với nó khi xuất hiện tại các vùng cản (vùng kháng cự / vùng hỗ trợ), tại các vùng cản này nếu xuất hiện pinbar thì thường là khối lượng giao dịch cũng tăng lên đáng kể và chắc chắn nó cũng sẽ đáng tin cậy hơn nhiều so với các nến pinbar xuất hiện ở những khu vực không phải là vùng cản.


2. MỤC TIÊU LỢI NHUẬN KHI SỬ DỤNG PINBAR:

Dĩ nhiên tác dụng của pinbar là báo đảo chiều, là bắt đỉnh và bắt đáy của con sóng, tuy nhiên điều cần lưu ý ở đây là bạn sẽ kỳ vọng giá đảo chiều và đi tới đâu? Điều này là hết sức quan trọng bởi vì với những cây Pinbar xuất hiện tại các vùng cản kèm khối lượng giao dịch tăng mạnh ĐỒNG THỜI khung lớn hơn xu hướng ủng hộ với hướng giao dịch của pinbar thì bạn hoàn toàn có khả năng đạt mục tiêu dài hơi hơn những pinbar xuất hiện ở những khu vực không phải trọng yếu hoặc khung thời gian lớn hơn không ủng hộ cho điều đó.

Ví dụ: Tại H4 xu hướng tăng và giá đang hồi về ngưỡng hỗ trợ, và tại H1 xuất hiện 1 pinbar ở đáy báo đảo chiều tăng giá thì việc bạn mua và nắm giữ với mục tiêu dài là sẽ có tính khả thi cao hơn là 1 cây pinbar xuất hiện tại khu vực... "đồng không mông quạnh" (không phải khu vực trọng yếu về mặt kỹ thuật)

Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là pinbar sẽ không có tác dụng, vấn đề là bạn sẽ sử dụng nó như thế nào và đặt ra mục tiêu lợi nhuận là bao nhiêu mà thôi. Điều này sẽ dễ dàng được giải quyết khi bạn thay đổi khung thời gian giao dịch thành khung thời gian lớn hơn.

Ví dụ như để tìm kiếm 1 cơ hội giao dịch với mục tiêu 30pip, thay vì bạn tìm 1 mẫu hình pinbar tại m15 quanh các mức cản để ăn đủ 1 con sóng... thì bạn chỉ cần tìm 1 cây pinbar tại D1 hoặc W1 dù nơi nó xuất hiện không phải là các mức cản hoặc yếu tố xu hướng có không ủng hộ thì bạn cũng sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu, tuy rằng cây pinbar đó có thể chỉ đảo chiều chạy 1 cây nến sau đó thôi rồi lại tiếp diễn xu hướng thì với 1 cây nến đảo chiều đó ở khung lớn cũng đủ để bạn lấy mấy chục pip rồi.

Do vậy khi sử dụng pinbar nhất định bạn cần phải lưu ý tới mục tiêu lợi nhuận trong điều kiện cụ thể - nơi mà pinbar xuất hiện - và khung thời gian xảy ra cây nến đó.


3. MẪU HÌNH PINBAR TIÊU CHUẨN:

Theo cá nhân mình, để loại bỏ những trường hợp sai số của pinbar - những trường hợp xảy ra nó mà giá chạy sai hướng - hay gọi là trường hợp nhiễu / phá thế... Qua thời gian giao dịch và đúc rút lại, mình tạm gọi đây là 1 mẫu hình pinbar tiêu chuẩn, tức là nó phải thỏa mãn các điều kiện sau đây thì chúng ta mới nên giao dịch:

- Có bóng nến dài: Với pinbar báo giảm thì bóng trên dài, pinbar báo tăng thì bóng dưới dài. Chiều dài bóng nến ít nhất nên gấp đôi thân nến. Bóng nến này của pinbar có ý nghĩa rất đặc biệt, nó vừa thể hiện thị trường đã từ chối 1 mức giá mới, và sự từ chối này diễn ra RẤT NHANH CHÓNG và DỨT KHOÁT (ngay trong 1 phiên giao dịch), như vậy cái bóng nến này là biểu hiện cả về kỹ thuật lẫn tâm lý của nhà đầu tư là TỪ CHỐI MỨC GIÁ MỚI.

- Đừng bao giờ dùng tới khái niệm gộp nến: Như đã nói ở điều kiện trên, bóng nến dài của pinbar ngoài yếu tố kỹ thuật và tâm lý, nó còn chứa cả yếu tố chu kỳ trong đó. Vậy nên 1 cây pinbar đúng nghĩa là 1 cây nến độc lập có bóng nến dài (trong 1 phiên giao dịch giá đã nhanh chóng chạy đủ 1 vòng), nó không thể đồng nghĩa với 1 cặp gồm 2 nến khác màu sắc gộp lại được (trong 2 phiên giao dịch giá mới chạy đủ 1 vòng). Dù rằng tại các khu vực đỉnh và đáy của sóng nếu xảy ra cặp nến khác màu này thì tỷ lệ đảo chiều cũng khá cao, nhưng không thể cao bằng 1 cây nến pinbar đơn lẻ. Chính vì luôn cố gắng hướng tới những điều mang tỷ lệ chính xác cao nhất có thể nên với riêng cá nhân mình không bao giờ dùng tới khái niệm gộp nến.

- Cấu tạo pinbar ở khung nhỏ hơn: Khi soi chiếu pinbar qua khung thời gian nhỏ hơn thì nó nên là 1 mẫu hình vai - đầu - vai (hoặc vai - đầu - vai đảo ngược). Nếu điều này đã xảy ra ngay khi cây nến pinbar đó đóng lại thì việc giá ngay lập tức phát huy tác dụng ở cây nến kế tiếp là 1 kết quả mang xác suất rất cao (xem xét vào lệnh luôn sau khi đóng nến pinbar). Còn nếu khi đóng nến pinbar mới chỉ xuất hiện vai trái và đầu thì có thể vai phải sẽ được hình thành ở cây nến kế tiếp, khi đó chúng ta cần kiên nhẫn chờ đợi vai phải hình thành (ở khung nhỏ hơn) rồi mới vào lệnh để đảm bảo an toàn cũng như tối ưu điểm vào lệnh.

- Độ lớn của pinbar: Chiều dài (độ lớn) của cây pinbar nên ít nhất bằng 1 cây nến thông thường bạn nhé. Với những cây pinbar quá nhỏ nó thường ít có tác dụng hoặc nó không phải là sự biểu hiện rõ ràng các phản ứng của thị trường. Độ lớn của pinbar này cũng là biểu hiện của khối lượng giao dịch - 1 yếu tố rất quan trọng trong phân tích kỹ thuật biểu đồ. Bạn sẽ dễ dàng thống kê và nhận thấy tại các phiên giao dịch trầm lắng (ví dụ phiên á quanh thời gian mở cửa) nếu có pinbar thì thường nó sẽ nhỏ hơn các phiên Âu và Mỹ.

- Vị trí của pinbar: Trong khu vực gần với hiện tại nhất, nếu pinbar xuất hiện với bóng nến dài nhưng bóng nến đó không đi vào 1 vùng giá mới thì nó sẽ ít có giá trị - thậm chí là không có giá trị để mang tới 1 tín hiệu đảo chiều. Chỉ khi bóng nến dài của pinbar đi vào 1 vùng giá mới nó mới là biểu hiện của SỰ TỪ CHỐI NHANH CHÓNG VÀ DỨT KHOÁT của thị trường đối với vùng giá đó, khi đó tín hiệu đảo chiều mới thật sự đáng tin cậy.

Ví dụ như hình dưới đây, trên cặp tiền forex EUR/USD khung D1:


Tại vị trí số 1 là 1 cây pinbar nhưng bóng nến dài bên dưới chỉ ngang bằng với cây nến trước đó, cây pinbar này không hề thấp hơn 1 cây nến nào trước đó cả. Do vậy đây chỉ như 1 sự lưỡng lự của thị trường, nó chỉ tạm thời từ chối giá thấp, dù rằng sau đó giá đi ngang thêm mấy cây nến nữa và có tăng lên, nhưng nếu giao dịch với cây pinbar số 1 (buy) và đặt stop loss dưới đáy của nến thì nhiều khả năng và trong nhiều trường hợp khác vẫn sẽ thua lệnh này.

Còn ở vị trí số 2 là 1 cây pinbar tiêu chuẩn khi bóng nến trên dài và cao hơn rất rất nhiều những cây nến trước đó (ít nhất cao hơn gần 20 cây nến trước đó theo hình), cho đến ngày hôm nay thì giá vẫn chưa thể vượt qua được đỉnh nến pinbar này - và nếu vào lệnh sell với cây nến này ở vai phải (điểm vào khung nhỏ hơn là m30 chẳng hạn) với mức stop loss ở đỉnh cây pinbar này thì rủi ro tối đa chỉ trong vòng 80-100 pip, còn lợi nhuận tối đa có thể đạt là gần 250 pip (tại điểm đáy giữa của chữ M trong hình ảnh - khi xuất hiện cặp nến doji đảo chiều tăng trở lại)


4. THỜI ĐIỂM VÀO LỆNH:

Đây là 1 điều hàm chứa yếu tố chu kỳ trong đó, trong quá trình giao dịch dần dần mỗi người sẽ tự đúc kết ra kinh nghiệm riêng. Với cá nhân mình thì nếu giao dịch với 1 cây pinbar ở khung D1, thì thời điểm vào lệnh thường sẽ rơi vào cuối buổi sáng cho đến giữa buổi chiều theo giờ Việt Nam (đầu phiên Âu), khi đó m30 sẽ thường hoàn tất xong vai phải và giá sẽ chính thức đảo chiều theo tín hiệu của pinbar d1.


Trên đây là vài chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân mình về pinbar - 1 mẫu hình rất được nhiều trader sử dụng để giao dịch. Bạn có thể sử dụng nó kết hợp với system vốn có của bạn, hoặc cũng không ít trường hợp trader sử dụng chính pinbar là 1 system giao dịch độc lập và nó cũng mang lại thành công nếu thật sự hiểu và áp dụng nó nhuần nhuyễn.

Cảm ơn bạn đã đọc và chia sẻ bài viết

Trân trọng,
CaPhiLe.Com


No comments:

Post a Comment